Đề bài: Cảnh trẩy hội hoa may của họ chuồn chuồn thật tưng bừng náo nhiệt. Hãy phân tích và nêu cảm nhận về nghệ thuật miêu tả cảnh vật của Tô Hoài qua đoạn văn ấy trong Dế Mèn phiêu lưu kí
Bạn đang xem: Cảnh trẩy hội hoa may của họ chuồn chuồn thật tưng bừng náo nhiệt trong Dế Mèn phiêu lưu kí
Bài mẫu Cảnh trẩy hội hoa may của họ chuồn chuồn thật tưng bừng náo nhiệt. Hãy phân tích và nêu cảm nhận về nghệ thuật miêu tả cảnh vật của Tô Hoài qua đoạn văn ấy trong Dế Mèn phiêu lưu kí
Bài làm
Phần đầu chương “Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa”, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả tuyệt hay, tuyệt đẹp cảnh sắc cánh rừng hoa cỏ may và cảnh trẩy hội của họ chuồn chuồn. Năm nay, nhân hội hoa mày còn có hội thi võ để kén người tài giỏi nhất… nên mới tưng bừng náo nhiệt thế!
1. Cảnh sắc cánh rừng hoa cỏ, đứng từ xa, Mèn thấy “mờ mờ xanh”. Khắp bốn phía chân trời phất lên “một màu trắng bàng bạc, xam xám những ngù bông hoa may”. Mèn cùng các bạn đi “mịt mờ dưới bóng hoa may”. Và đó chính là nơi ngụ những xóm chuồn chuồn.
Các màu sắc: “xanh xanh”, “trắng bàng bạc”, “xanh xám”, “mịt mờ” là màu sắc tâm tưởng. Rừng hoa cỏ may “mịt mờ” như dẫn hồn chú Dế Mèn nhập vào thế giới mộng ảo thần tiên. Mượn màu sắc rừng hoa cỏ may, tác giả thể hiện sự ngạc nhiên và tinh thần hăm hở của Mèn trên con đường chu du đây đó. Ngòi bút của Tô Hoài rất tinh tế trong miêu tả và biểu cảm.
2. Cảnh trẩy hội hoa may và hội thi vẽ của họ chuồn chuồn thật đông vui tấp nập. Thế giới loài vật dưới ngòi bút Tô Hoài bao giờ cũng sống động, hồn nhiên. Mỗi con vật được tả bằng những đường nét, dáng vẻ, màu sắc nổi trội và có cá tính rất đáng yêu. Ở đây là họ chuồn chuồn “láng giềng lâu năm” của họ dế. Chúng gặp nhau về mùa hè ở bờ cỏ, sống thân tình “anh đậu ngọn, anh nằm gốc”… Mèn đã giới thiệu với chúng ta về họ chuồn chuồn ở rừng cỏ may, đó là một thế giới đầy cá tính, có một đời sống tinh thần rất phong phú.
Chuồn chuồn Chúa có vẻ “dữ dội, hùng hổ” mà lại “rất hiền”. Chuồn chuồn Ngô chao cánh “nhanh thoăn thoắt”. Chuồn chuồn ớt thì “rực rỡ… chói lọi”. Chuồn chuồn tương có đôi cánh kép “vàng điểm đen”. Anh Kỉm Kìm Kim thì “lẩy bẩy”, cánh “tí tẹo”, đuôi “dài nghêu” bằng chiếc tăm, đôi mắt “lồi to” hơn đầu…
Họ chuồn chuồn “bay sát cánh rợp cả nắng”. Ai cũng “hớn hở” trẩy hội “trong xống áo mới tinh” giữa hoa may. Phấn khởi nhất là cậu Kỉm Kìm Kim: gầy còm, tuy chỉ bay được dưới thấp nhưng cũng “tung tăng và đáng lắm”.
Với tài quan sát và óc thẩm mĩ, Tô Hoài đã sử dụng rất thành công các từ láy diễn tả hình dáng, cá tính từng loại, từng con chuồn chuồn một: dữ dội, hùng hổ, thoăn thoắt, rực rỡ, chói lọi, lấy bẩy, tí tẹo…
Người đọc có cảm giác Tô Hoài là một nhà côn trùng học đang viết văn, một nhà đạo diễn và quay phim hoạt hình điệu nghệ! Tuổi thơ mỗi chúng ta đã mấy ai thông thuộc và nhận diện được cái họ chuồn chuồn này?
Cũng như chú Dế Mèn, họ chuồn chuồn đã được nhân hóa có cuộc sống vui tươi, hồn nhiên như con người. Cảnh họ chuồn chuồn trẩy hội hoa may và xem đấu võ có khác nào cảnh trẩy hội Đạp thanh trong “Truyện Kiều”:
“Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm…”.
Nghệ thuật tả cảnh, tả loài vật của Tô Hoài cho ta nhiều nhã thú văn chương và bài học bổ ích về nghệ thuật viết văn miêu tả.
Để nắm rõ hơn về nội dung Cảnh trẩy hội hoa may của họ chuồn chuồn thật tưng bừng náo nhiệt trong Dế Mèn phiêu lưu kí, các em có thể ôn tập lại Soạn bài Dế Mèn bênh vực kẻ yếu, Tập đọc và bài Soạn bài Dế mèn bênh vực kẻ yếu, Tập đọc tiếp theo nhằm có kĩ năng phân tích tốt hơn.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục