Đề bài: Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Bạn đang xem: Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
I. Dàn ý Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu sơ lược về tác giả Nam Cao- Giới thiệu về truyện ngắn Lão Hạc
2. Thân bài
a. Nhân vật lão Hạc:
* Hoàn cảnh:– Khốn khó, nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai bỏ nhà đi, nghèo đói.- Làm bạn với con chó nhỏ: cậu Vàng
* Tính cách:– Người cha sống trách nhiệm:+ Yêu thương còn hết mực+ Lo lắng cho con+ Dành dụm tiền của cho con, không dám tiêu một đồng tiền dù đói khổ+ Để lại mảnh vườn cho con trai, chấp nhận cái chết
– Là người giàu yêu thương:+ Săn sóc cậu Vàng như người thân+ Thương cậu Vàng vì không có gì cho nó ăn+ Dằn vặt, đau đớn khi bán đi cậu Vàng
– Là người tự trọng:+ Không chịu nhận sự giúp đỡ từ ông Giáo+ Sợ phiền lụy đến bà con khỉ mình chết đi+ Đói nghèo cũng không để bị tha hoá nhân cách, lương tâm thánh thiện, trong sáng.
b. Nhân vật ông Giáo– Người hàng xóm nghèo, tốt bụng- Sống nghĩa tình- Có những suy ngẫm sâu sắc
c. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm– Truyện ngắn được kể thật tự nhiên, bình dị, lôi cuốn- Xây dựng tình huống truyện bất ngờ- Miêu tả tâm lí nhân vật qua hành động, ngoại hình đầy tinh tế- Giọng điệu linh hoạt, cốt truyện giản dị mà hấp dẫn.
d. Giá trị nhân đạo của tác phẩm:– Tiếng nói thương cảm, xót xa trước số phận khốn khổ của nông dân- Tố cáo xã hội bất công- Cả ngợi nhân cách cao đẹp của con người
3. Kết bài
Cảm nghĩ về tác phẩm
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao (Chuẩn)
Trong dòng văn học hiện thực Việt Nam, Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu và thành công nhất, đặc biệt là với thể loại truyện ngắn. Các tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến như Một bữa no, Chí Phèo,…Truyện ngắn Lão Hạc cũng là một thành công lớn của tác giả khi khắc họa hình ảnh người nông dân Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp bằng những trang văn sâu sắc, thấm đẫm tình người.
Truyện ngắn lấy bối cảnh từ nạn đói những năm trước cách mạng tháng Tám. Truyện ngắn Lão Hạc kể về cuộc đời và số phận của nhân vật Lão Hạc – một nông dân nghèo mà hiền lành, chất phác.
Cũng như bao người nông dân khác, lão Hạc cũng vất vả, phải lao động chân tay để kiếm từng đồng nuôi sống bản thân qua ngày. Nhưng lão có phần kém may mắn hơn khi trong cái đói người ta có hạnh phúc sum vầy, có người để ủi an, động viên nhau thì lão phải sống một mình. Vợ lão mất sớm, người con trai vì bất mãn với sự nghèo khó mà bỏ nhà đi mấy năm không về. u cũng là cái nghèo khiến đứa con bồng bột của lão trở nên ích kỉ hơn, khó bảo hơn rất nhiều. Người bạn thân duy nhất còn bên lão và cũng là kỉ vật quý giá mà cậu con trai để lại cho lão là một con chó mà lão đặt với cái tên đầy thương mến – cậu Vàng.
Dù nghèo khó nhưng Lão Hạc là người giàu yêu thương. Trước hết lão là một người cha đầy trách nhiệm. Dù bị con bỏ rơi, bị con ruồng rẫy, trách mắng lão vẫn không một lần trách móc bởi lão hiểu chỉ vì nghèo mà nên cơ sự ấy. Lão vẫn luôn mong chờ con trở về và tin vào điều ấy. Khi cuộc sống khó khăn hơn, biết mình không thể gượng nổi nữa vì đói, lão đành chấp nhận bán cậu Vàng, giữ lại mảnh vườn cho con trai. Mảnh vườn ấy nếu đem bán đi, chắc chắn lão sẽ có tiền để nuôi thân, lão sẽ có thể sống thêm nhiều năm nữa, nhưng lão đã không lựa chọn điều ấy. Dù có chết thì lão vẫn quyết giữ lại mảnh vườn ấy cho con. Trước lúc mất, lão Hạc cũng đã lo toan đủ đường, gắng gửi gắm những điều nghĩ suy lại cho ông Giáo – người hàng xóm mà lão vốn vẫn coi trọng và tin cậy. Những lời vừa xót xa, vừa ân tình của lão khi nói chuyện với ông Giáo khiến ta không khỏi ngậm ngùi: “Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu? Đã đành rằng là thế, nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao?”
Lão sống một đời với những cực nhọc, lo toan, lão yêu đứa con trai của mình hơn tất thảy. Trước khi chết, lão vẫn dành cho con điều tốt đẹp nhất mà cuộc đời lão có được, nỗi lo lắng cho đứa con trai duy nhất ấy luôn thường trực trong lão. Qua Lão Hạc ta thấy được hình ảnh một người cha ấm áp và đầy trách nhiệm biết bao.
Lão Hạc còn dành tình yêu thương của mình cho cậu Vàng yêu quý. Với lão, cậu Vàng là người bạn thân duy nhất khi cô đơn bủa vây. Lão chăm bẵm, cho ăn, tắm rửa rồi trò chuyện với cậu Vàng. Lão cũng lo lắng , săn sóc như một người cha dành sự chở che, săn sóc yêu thương cho con mình vậy. Lão sợ cậu Vàng đói, vì nghèo đến lão còn không nuôi nổi thân mình thì làm sao có thể nuôi nổi cậu Vàng đây? Dù rất thương nó nhưng bán cậu Vàng đi là sự lựa chọn duy nhất của lão lúc bấy giờ. Lão đau xót, dằn vặt biết bao sau khi bán nó, hình ảnh “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước..Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…” ấy làm sao ta có thể quên được. Phải là người có trái tim yêu thương và một tình cảm lớn lao dành cho người bạn của mình, Lão mới khổ đau đến như thế.
Không chỉ là người nông dân hiền lành, giàu tình cảm, Lão Hạc còn là hiện thân của một con người giàu tự trọng. Dù nghèo khó đấy nhưng lão không hề cầu cứu hay chờ mong sự giúp đỡ của ai. Khi được ông Giáo ngỏ lời, lão cũng từ chối. Trước lúc mất, lão cũng để dành một ít tiền gửi ông Giáo nhằm lo hậu sự cho mình vì sợ thân già phải lụy phiền đến bà con, hàng xóm. Đặc biệt, lòng tự trọng ấy được thể hiện rõ qua cái chết của Lão Hạc. Lão xin bả chó của Binh Tư, khi nghĩ về điều đó người ta ngán ngẩm, đến cả ông Giáo cũng phải nghĩ suy, chẳng lẽ cái đói là đẩy con người vào đường cùng, tha hóa nhân cách đến như vậy. Nhưng không, lão Hạc đã chứng minh sự lương thiện và trong sạch ấy bắn bằng cái chết đau đớn của chính mình. Lão chọn cái chết để giữ trọn sự thiện lương trong tâm hồn mình, giữ trọn tình nghĩa với cuộc đời. Một cái chết đầy nghiệt ngã mà cao đẹp biết bao.
Trong truyện, ta còn cảm nhận được vẻ đẹp của tình làng nghĩa xóm tốt đẹp nơi làng quê lúc bấy giờ, mà tiêu biểu là qua nhân vật ông Giáo. Cuộc sống của người làm nghề dạy học có phần đỡ vất vả hơn nhưng cũng không sung sướng là bao. Ông Giáo biết được hoàn cảnh lão Hạc, thương và luôn muốn giúp đỡ lão. Ông cũng hiểu được những nỗi đau và dằn vặt mà lão Hạc phải chịu đựng khi bán đi con chó mà bấy lâu hết mực yêu quý. Người hàng xóm ấy cũng chưa một lần từ chối khi lão Hạc nhờ vả, là người luôn lắng nghe lão một cách chân thành và thấu hiểu nhất. Có lẽ vì thế mà lão Hạc luôn dành cho ông Giáo sự tôn trọng hết mực. Trước cái chết của Lão Hạc, ông Giáo không khỏi xót xa, suy ngẫm về số phận con người.
Truyện ngắn được kể thật tự nhiên, bình dị, lôi cuốn ta bước vào từng trang văn như một trải nghiệm trong cuộc sống đời thực, một chân dung hiện hữu thực. Thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, miêu tả tâm lí nhân vật qua hành động, ngoại hình đầy tinh tế cùng giọng điệu linh hoạt, cốt truyện giản dị mà hấp dẫn. Qua đó tác giả không chỉ nói lên tiếng nói thương cảm cho phận nghèo đói của người nông dân xưa mà còn tố cáo xã hội thực dân phong kiến đã đẩy đời sống của nhân dân vào khốn cùng, thậm chí phải tìm đến cái chết để bảo vệ, giải thoát chính mình. Hơn tất cả là tiếng hát ngợi ca cốt cách cao đẹp của người nông dân Việt Nam xưa, họ thật xứng đáng như lời ca dao xưa từng ngợi ca:
“Trong đầm gì đẹp bằng senLá xanh bông trắng lại chen nhị vàngNhị vàng bông trắng lá xanhGần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
——————-HẾT——————-
Trên đây là nội dung bài văn cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao. Để đi sâu khám phá tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm các tư liệu cùng chủ đề như Phân tích truyện ngắn Lão Hạc, Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao , Phân tích nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, Số phận và tính cách nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục