Đề bài: Cảm nhận về nhân vật Lượm trong bài thơ Lượm
Cảm nhận về nhân vật Lượm trong bài thơ Lượm
Bạn đang xem: Cảm nhận về nhân vật Lượm trong bài thơ Lượm
I. Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Lượm trong bài thơ Lượm (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng nhân vật Lượm.
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật:– Lượm xuất hiện trong trí nhớ của tác giả.
b. Chân dung:– Dáng vẻ tinh nghịch, đáng yêu.- Sự nhanh nhẹn, hoạt bát”cái chân thoăn thoắt”, “cái đầu nghênh nghênh”.- Lượm còn gây ấn tượng bởi sự lạc quan, yêu đời, đầu “ca lô đội lệch”, miệng thì lúc nào cũng “huýt sáo vang”, đôi chân nhỏ bé “thoăn thoắt”.→ Liên tưởng đến loài chim chích dáng vẻ nhỏ bé, ríu rít hay nhảy nhót trên những con đường làng quê xưa.
c. Tinh thần giác ngộ cách mạng từ rất sớm:– Đối với Lượm, công việc liên lạc viên không hề vất vả, gian nan mà đó là một niềm vui.- Lượm đã hăng hái xung phong đi đầu, là tầng lớp thanh thiếu nhi noi theo lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.- Lượm là một trong những người chiến sĩ cách mạng gan dạ, dũng cảm, không ngại hiểm nguy.
d. Sự hy sinh anh dũng:– “Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo”: Không khí dữ dội, ác liệt của chiến trường, qua đó làm nổi bật sự dũng cảm, không quản hiểm nguy của Lượm.- Hiểu rõ được tầm quan trọng của công việc liên lạc, đặc biệt là với những bức thư “thượng khẩn”.- Vượt qua mọi sự sợ hãi, đối diện với hung hiểm “Đạn bay vèo vèo”, chỉ mong đưa được những bức thư khẩn về tới nơi an toàn.=> Khẳng định được tầm vóc và ý chí cách mạng của Lượm trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.- Hình ảnh “Bỗng lòe chớp đỏ…Một dòng máu tươi!” biểu thị cái chết đau thương nhưng không bi lụy của chú bé Lượm.=> Nguồn động lực sâu sắc, liên lục cổ vũ tầng tầng lớp lớp thanh thiếu niên ra sức cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, trả nợ nước thù nhà.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận về nhân vật Lượm.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về nhân vật Lượm trong bài thơ Lượm (Chuẩn)
Tố Hữu vừa là một người chiến sĩ vừa là một nhà thơ, ông được xem là ngọn cờ đầu tiêu biểu nhất cho nền thơ ca trữ tình chính trị Việt Nam. Có thể nói rằng, chính ngòi bút cùng với những áng thơ văn đầy khí thế, sáng rực niềm tin vào Đảng vào cách mạng đã cổ vũ, tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều thế hệ chiến sĩ trong cả hai cuộc chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ. Lượm là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu. Bài thơ viết về cậu bé giao liên tên Lượm- người chiến sĩ nhỏ tuổi đã anh dũng chiến đấu, chẳng màng gian khổ, hi sinh để góp phần sức lực vào sự nghiệp giải phóng của nước nhà.
Tác giả đã gặp chú bé Lượm vào một hoàn cảnh đặc biệt, đó là “Ngày Huế đổ máu”, khi mà cả cố đô bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai vào năm 1947, nơi nơi đều tràn đầy khí thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ và ngắn ngủi thế nhưng nó đã khắc sâu vào trong trí nhớ tác giả bóng hình của một cậu bé liên lạc tuy nhỏ tuổi nhưng tràn đầy lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu hi sinh cho Tổ quốc, đó là một điều vô cùng đáng khâm phục và trân trọng.
“Chú bé loắt choắtCái xắc xinh xinhCái chân thoăn thoắtCái đầu nghênh nghênhCa lô đội lệchMồm huýt sáo vangNhư con chim chíchNhảy trên đường làng”
Ngay phần mở đầu bài thơ, Lượm gây ấn tượng bởi dáng vẻ tinh nghịch, đáng yêu rất phù hợp với lứa tuổi. Dáng người nhỏ bé “loắt choắt”, bên hông mang một “cái xắc xinh xinh” tuy trông bình thường nhưng đã bao lần đựng những thư từ quan trọng. Sự nhanh nhẹn, hoạt bát của Lượm còn được bộc lộ qua hình ảnh “cái chân thoăn thoắt”, “cái đầu nghênh nghênh”. Việc sử dụng những từ láy gợi hình khi miêu tả Lượm không chỉ tạo giai điệu, nhịp nhàng, vui tươi mà còn khắc họa được rõ nét dáng vẻ hồn nhiên, trong sáng của cậu bé giao liên nhỏ tuổi.
Bên cạnh vẻ hồn nhiên, hoạt bát, Lượm còn gây ấn tượng với người đọc bởi sự lạc quan, yêu đời. Chú bé liên lạc với chiếc “ca lô đội lệch”, miệng thì lúc nào cũng “huýt sáo vang”, đôi chân nhỏ bé “thoăn thoắt” qua lại khắp chốn điều ấy khiến tác giả liên tưởng đến loài chim chích dáng vẻ nhỏ bé, ríu rít hay nhảy nhót trên những con đường làng quê xưa.
Lượm là cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn, còn ham chơi nhưng cậu bé ấy cũng là người chiến sĩ nhỏ gan dạ, đầy trách nhiệm khi mang trên mình những nhiệm vụ quan trọng:
“Cháu đi liên lạcVui lắm chú àỞ đồn Mang CáThích hơn ở nhàCháu cười híp míMá đỏ bồ quân- Thôi chào đồng chí!Cháu đi xa dần…”
Trong tâm hồn Lượm, công việc liên lạc viên không hề vất vả và lắm gian nan, mà đó là một niềm vui, một niềm hăng say. Lượm không như những đứa trẻ bình thường, thích ở nhà quanh quẩn bên cha mẹ, thích vui chơi, nghịch ngợm, đối với em được tham gia cách mạng, được làm công việc phục vụ cho kháng chiến khiến em vui vẻ và yêu thích hơn cả. Có lẽ rằng trong đầu óc non nớt của Lượm còn chưa thể để hiểu hết về cuộc kháng chiến với lắm gian nguy của dân tộc, về lý tưởng cách mạng. Thế nhưng, bằng tinh thần yêu nước chớm nở từ rất sớm và sự ý thức về tầm quan trọng của độc lập, tự do, cũng như ước muốn quê hương không còn máu lửa chiến tranh, Lượm đã hăng hái xung phong đi đầu, là tầng lớp thanh thiếu nhi noi theo lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Em cũng muốn đóng góp một phần công lao nhỏ bé của mình vào sự nghiệp vĩ đại của cả dân tộc, những điều em làm thật đáng trân trọng yêu thương, dù tuổi tác cách biệt, thế nhưng đối với Lượm và đối với cả Tố Hữu họ đều không phân biệt gọi bằng hai từ “đồng chí” thân thương, em cũng là một trong những người chiến sĩ cách mạng, dành cả tuổi trẻ chiến đấu vì tương lai một mai Tổ quốc được bình yên.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi kết thúc, Lượm lại quay trở về với công việc liên lạc viên, hình ảnh cậu bé “Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo” là một hình ảnh đầy ấn tượng vì sự dũng cảm, không ngại gian khó của cậu. Có thể nói rằng tuy nhỏ tuổi nhưng ý chí quyết tâm, hi sinh vì Tổ quốc của Lượm không hề thua kém bất kỳ một người chiến sĩ trưởng thành nào. Lượm luôn hiểu rõ được tầm quan trọng của công việc, đặc biệt là việc vận chuyển những bức thư “thượng khẩn”, chính vì lẽ đó, từ một đứa trẻ chưa trải đời, chú bé đã vượt qua mọi sự sợ hãi, đối diện với hung hiểm “Đạn bay vèo vèo”, chỉ mong đưa được những bức thư khẩn về tới nơi an toàn.
Tấm lòng kiên cường, không sợ hãi, nao núng trước tầm đạn mịt mờ của giặc thực sự chẳng mấy đứa trẻ làm được, từ đây càng khẳng định được tầm vóc và ý chí cách mạng của Lượm trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trở thành biểu tượng của những người chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi, giác ngộ lý tưởng chiến đấu vì độc lập tự do của đất nước từ rất sớm.
Nhưng thật đau lòng thay, sự nhanh nhẹn, ý chí kiên cường ấy của Lượm đã không may vĩnh viễn nằm lại giữa tầm đạn của quân thù. Hình ảnh “Bỗng lòe chớp đỏ…Một dòng máu tươi!” biểu thị cái chết đau thương nhưng không bi lụy của chú bé Lượm. Cái chết của Lượm là sự hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, em nằm xuống đầy hiên ngang, bi tráng. Lượm hi sinh giữa cánh đồng lúa chín rực rỡ, tay còn nắm chặt bông lúa thơm mùi sữa, đó là một hình ảnh đẹp mang đậm chất trữ tình chính trị trong thơ của Tố Hữu. Lượm đã ra đi trong vòng tay ôm ấp của quê hương, giữa mảnh đất mà em đã gắn b, trước khi ra đi tầm mắt em có lẽ còn kịp nhìn lấy bầu trời Tổ quốc lần cuối, kịp mang theo cả hương lúa quê hương. Có lẽ nuối tiếc nhất chính là em chưa kịp nhìn thấy ngày Tổ quốc được độc lập, chưa kịp nhìn thấy thành quả cống hiến mà em đã góp một phần sức trong ấy. Lượm ngã xuống là một mất mát, thương đau cho những người ở lại, thế nhưng sự hi sinh của em đã khơi dậy tình yêu nước, tinh thần đấu tranh vì độc lập của nước nước của hàng triệu con người Việt Nam. Lượm đã ra đi mãi mãi thế nhưng tinh thần, ý chí chiến đấu của em vẫn còn đó, chuyển giao cho những người ở lại và cả các thế hệ trẻ tiếp nối, làm nên lịch sử sáng ngời cho dân tộc.
Lượm của không phải là bài thơ xuất sắc nhất trong cả sự nghiệp thơ văn trữ tình chính trị với lý tưởng cách mạng sâu sắc của Tố Hữu, thế nhưng đây lại là một trong số các tác phẩm nổi bật nhất của nền thơ ca Việt Nam khi viết về những người anh hùng nhỏ tuổi, đã đóng góp một phần công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc giải phóng đất nước. Bằng lối thơ 4 chữ, ngắn gọn, nhịp thơ linh hoạt, giai điệu vui tươi Tố Hữu đã khắc họa thành công một nhân vật anh hùng nhỏ tuổi trong kháng chiến, trở thành tấm gương tiêu biểu cho nhiều thế hệ thanh niên về sau.
—————-HẾT—————-
Hình ảnh chú bé Lượm trong tác phẩm cùng tên, là một trong những hình ảnh sáng và tiêu biểu hiện diện trong nền thơ ca trữ tình chính trị nói chung và của Tố Hữu nói riêng. Để tìm hiểu thêm về nhân vật cũng như tác phẩm mời các em tìm đọc thêm các bài viết Phân tích bài thơ Lượm của Tố Hữu, Sơ đồ tư duy Lượm, Cảm nhận về bài thơ Lượm của Tố Hữu, Phát biểu cảm nghĩ của em về đoạn thơ miêu tả cảnh chiến đấu hy sinh của Lượm.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục