Đề bài: Cảm nhận khi đọc Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi
Cảm nhận khi đọc Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi
Bạn đang xem: Cảm nhận khi đọc Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi
Bài làm:
Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, một nhà ngoại giao và cũng là một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất. Cuộc đời ông có nhiều cống hiến to lớn cho dân tộc, là bậc đại anh hùng mà người người phải noi theo. Ông giữ chức quan lớn trong triều đình nhưng sau cùng ông vẫn từ bỏ danh vọng, từ bỏ tiền bạc của cải để trở về với cuộc sống bình thường. Và ông đã chọn nơi dừng chân cho mình ở núi Côn Sơn. Phải chăng vì mến mộ cái đẹp, vì yêu thích cái nét thanh cao, thuần khiết của núi rừng mà ông đã rung động để rồi viết lên “Bài ca Côn Sơn”. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông chứa đựng quan niệm về nhân sinh cùng những cảm nhận tinh tế sâu thẳm trong trái tim của một nhà Nho không gặp thời.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng đi theo quỹ đạo của nó, không phải cứ ở hiền là gặp lành như chúng ta vẫn thường thấy trong những câu chuyện cổ tích. Và đương nhiên quy luật đó chẳng ngoại lệ với một ai. Là một người vừa có đức vừa có tài thế nhưng Nguyễn Trãi lại rơi vào cảnh sống nhầm thời đại, vậy nên bao tư tưởng, hoài bão của ông không thể thực hiện được. Có lẽ cũng bởi vì chán ghét cuộc sống nơi phồn hoa, chốn ganh đua quan trường mà ông đã cáo quan, bỏ lại sau lưng tiền tài danh vọng để sống thật với cuộc đời mình. Và khi ông đến với Côn Sơn ông đã cảm nhận được điều đó, ông coi nó như một người bạn tri kỉ, vẻ đẹp của nó có thể gột rửa tâm hồn giúp cho người thi sĩ quên đi thực tại và có thể làm chính mình.
Nếu thực ở tại là bế tắc ngột ngạt thì khi đến với núi rừng Nguyễn Trãi lại mở rộng tâm hồn mình để cảm nhận cái vẻ đẹp kì vĩ ấy:
“Côn Sơn suối chảy rì rầmTa nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Chỉ là tiếng nước chảy róc rách thế nhưng dưới cảm nhận của người nghệ sĩ nó lại trở thành âm thanh bay bổng của tiếng đàn. Tiếng suối không còn là thứ âm thanh róc rách, khô khan mà nó đã được thổi hồn vào trong đó. Những giai điệu du dương như đang hòa cùng âm thanh của đất trời để viết lên một bản tình ca thật đẹp.
“Bài ca Côn Sơn” là bức tranh của núi rừng, là nét đẹp tinh tế được tác giả phác lại bằng những nét chấm phá, âm thanh và màu sắc của cỏ cây, núi rừng. Ở một nơi nào đó trong khu rừng, người nghệ sĩ được thiên nhiên chữa lại mảnh hồn héo úa trong mình để rồi ông lại dạt dào tình cảm với cảnh vật nơi núi rừng:
“Côn Sơn có đá rêu phơiTa ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”
Đúng thật, khi tâm hồn con người ta được giải phóng thì cảm giác về con người về những sự vật lại có hồn đến lạ. Từ một tảng đá vô tri, một vật cứng nhắc được núi rừng bao bọc, những tảng đá bất động bị mưa gió bào mòn, rồi mưa nắng cùng với thiên nhiên phủ lên thân đá lớp rêu xanh. Nhưng dù có được bao bọc bởi rêu đi chăng nữa thì đá vẫn là đá mà thôi. Thế nhưng người thi sĩ lại cảm nhận việc ngồi lên tảng đá thô cứng ấy như được ngồi trên chiếu êm. Tâm hồn người thi sĩ giản đơn hết mức, cả thế giới như thu bé lại, tiềm thức như được mở rộng ra hết cỡ để cảm nhận, hòa tâm hồn mình vào vòng xoay của vũ trụ.
Và thiên đường ấy có âm thanh êm dịu của đàn, có chiếc chiếu êm làm điểm tựa cho người nghệ sĩ. Lúc này ông tự do thả hồn mình vào những cảnh vật phía xa, đó là sự vi vu bát ngát của cánh rừng với một màu xanh êm dịu, màu xanh của tình yêu, sức sống.
“Trong ghềnh thông mọc như nêmTìm nơi bóng mát ta lên ta nằmTrong rừng có bóng trúc râmTìm nơi bóng mát ta ngâm thơ nhàn”
Từng cảnh vật của khu rừng được tác giả cảm nhận thật tinh tế và tỉ mỉ. Những hàng thông xanh ngát nối tiếp nhau, thông mọc san sát nhau và đâm thẳng lên bầu trời xanh. Thông đương đầu với số phận, chống chọi qua đêm bão tuyết, hình ảnh ấy tượng trưng cho ý chí bất khuất, kiên cường của người anh hùng ngàn đời nay. Và trúc mang dáng vẻ tao nhã, thanh cao, là dáng vẻ của người quân tử yêu thích cái tinh tế, thuần khiết và gắn bó với thiên nhiên.
Qua “Bài ca Côn Sơn” chúng ta thấy được một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên và hòa nhập cùng thiên nhiên. Tưởng chừng như tâm hồn ấy đã êm dịu không còn sóng gió vì say đắm trong cái vẻ đẹp thuần khiết kia nhưng thực ra trong thâm tâm ông lúc nào cũng dậy sóng vì lo cho nỗi nước nhà. Sau này khi được vua hiểu thấu và mời quay lại giúp dân, giúp nước thì ông lại từ bỏ thú vui bản thân và quay trở lại. Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng, là con người mang trong mình tấm lòng vì đại cả đời cống hiến cho dân tộc mà chúng ta nên tôn thờ và noi theo.
——————HẾT———————
Bài ca côn sơn là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 7, ngoài làm văn Cảm nhận khi đọc Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi, học sinh và giáo viên thường làm các bài văn khác như Nhân vật ta trong Bài ca Côn Sơn, Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi và Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, hay cả phần Soạn bài Bài ca Côn Sơn, các bạn có thể tham khảo và học tập.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục