Đề bài: Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Bạn đang xem: Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
I. Dàn ý Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về Lặng lẽ Sa Pa và chất thơ được thể hiện trong truyện ngắn
2. Thân bài
a. Khái niệm chất thơ:– Là cảm xúc, hứng thú được khơi dậy trong những câu văn, đoạn văn viết về thiên nhiên, con người, mang đến cho người đọc những xúc cảm mãnh liệt, chân thực.
b. Chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa: chất thơ được thấm đượm trong cảnh vật, từng con người:
– Chất thơ trong cảnh vật, thiên nhiên Sa Pa:+ Sa Pa “bắt đầu với những rặng đào” và những “đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường”.+ Sa Pa trở nên rực rỡ, tươi sáng dưới ánh nắng ngập tràn “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”,+ Cây cối ở Sa Pa cũng mang một nét đẹp đặc biệt, vừa hoang dã vừa tươi mới “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng”.=> Chỉ với một vài nét vẽ ngẫu nhiên, hình ảnh Sa Pa thơ mộng, đầy hấp dẫn được mở ra chân thực trước mắt người đọc: Sa Pa rộng lớn, hùng vĩ nhưng không hoang vu, lạnh lẽo mà thơ mộng, đẹp đẽ, hữu tình.
– Chất thơ trong con người:
+ Anh thanh niên:
- Là người yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao.
- Lạc quan, yêu đời. Tuy sống một mình nhưng anh biết cách tìm niềm vui cho mình, anh trồng hoa, nuôi gà, đọc sách.
- Anh còn là một người cởi mở, chân thành, sống tình cảm
→ Sự khiêm tốn và những cống hiến thầm lặng của anh đã mang đến sự xúc động và khơi dậy những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về lẽ sống, cuộc đời, nghệ thuật cho tất cả mọi người.
+ Ông họa sĩ già
- Là một người từng trải, có kinh nghiệm sống phong phú.
- Yêu nghề, luôn khát khao sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị
+ Cô kĩ sư trẻ
- Mang trong mình lòng nhiệt huyết của của trẻ.
- Chấp nhận rời thành phố để về một vùng xa xôi để công tác.
- Sau cuộc trò chuyện với anh thanh niên, cô có thêm niềm tin và cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của công việc mà mình sẽ làm.
=> Con người trong Lặng lẽ Sa Pa đều là những con người bình thường trong cuộc sống đời thường. Thế nhưng chính tình yêu và trách nhiệm dành cho công việc khiến họ trở nên thật đặc biệt. Họ đẹp trong chính cái đời thường, bình dị.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
Nguyễn Thành Long một trong những gương mặt nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Các tác phẩm của ông thường được bắt nguồn từ những con người bình dị, những sự kiện đời thường, mộc mạc của cuộc sống nên mỗi lời văn đều nhẹ nhàng, trong trẻo mà thấm đượm chất trữ tình. Lặng lẽ Sa Pa được coi là kết tinh tiêu biểu nhất cho tài năng và phong cách sáng tác của Nguyễn Thành Long. Truyện ngắn đã dựng lên bức tranh tuyệt đẹp về những con người lao động lặng lẽ và thiên nhiên Sa Pa đẹp đẽ mà đầy chất thơ.
Chất thơ là cảm xúc, hứng thú được khơi dậy trong những câu văn, đoạn văn viết về thiên nhiên, con người, mang đến cho người đọc những xúc cảm mãnh liệt, chân thực. Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, chất thơ được thấm đượm trong cảnh vật, từng con người. Đó là chất thơ trong thiên nhiên Sa Pa hùng vĩ, thơ mộng, là chất thơ ẩn chứa bên trong vẻ đẹp lặng lẽ nhưng đầy cao cả, ý nghĩa của nhân vật anh thanh niên, của bác họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ.
Nguyễn Thành Long không tập trung khắc họa bức tranh thiên nhiên Sa Pa, thế nhưng chỉ với một vài nét vẽ ngẫu nhiên, hình ảnh Sa Pa thơ mộng, đầy hấp dẫn được mở ra chân thực trước mắt người đọc, đó là một vùng đất được “bắt đầu với những rặng đào” và những “đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường”. Sa Pa trở nên rực rỡ, tươi sáng dưới ánh nắng ngập tràn “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”, cây cối ở Sa Pa cũng mang một nét đẹp đặc biệt, vừa hoang dã vừa tươi mới “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng”. Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, những hình ảnh quen thuộc, bình dị trở nên thật đẹp, thật nên thơ. Qua những dòng miêu tả ngắn gọn nhưng súc tích, gợi cảm ấy, người đọc cảm nhận được một Sa Pa rộng lớn, hùng vĩ nhưng không hoang vu, lạnh lẽo mà thơ mộng, đẹp đẽ, hữu tình.
Chất thơ không chỉ thấm đượm trong những câu văn viết về thiên nhiên Sa Pa mà còn tỏa ra từ chính những con người lặng lẽ trong câu chuyện. Đầu tiên là nhân vật anh thanh niên, từng suy nghĩ, hành động, quan niệm sống của anh đều toát lên một vẻ đẹp đáng trân trọng. Anh thanh niên làm “công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu” trên đỉnh núi Yên Sơn bốn bề chỉ cây cỏ, mây mù lạnh lẽo. Công việc vất vả, đòi hỏi độ chính xác cao, cuộc sống cô đơn, thiếu vắng bóng người, thế nhưng anh vẫn đam mê, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Với anh, được làm công việc mình yêu thích thì sẽ không thấy cô đơn, bởi “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được”. Anh coi công việc là một phần không thể thiếu của cuộc sống “Công việc của cháu gian khổ thật đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.
Anh thanh niên còn gây ấn tượng với người đọc về tinh thần lạc quan, yêu đời. Tuy sống một mình nhưng anh biết cách tìm niềm vui cho mình, anh trồng hoa, nuôi gà, đọc sách. Nhà cửa được anh sắp xếp một cách ngăn nắp, gọn gàng. Anh còn là một người cởi mở, chân thành, sống tình cảm, điều này được thể hiện qua thái độ tiếp đón ân cần, chu đáo với bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Khi chia tay với mọi người anh còn tặng trứng gà, củ tam thất cho mọi người để làm quà.
Điều đáng quý nhất ở anh thanh niên là thái độ khiêm tốn và sự hi sinh thầm lặng. Khi ông họa sĩ bày tỏ mong muốn vẽ một bức tranh chân dung của anh thì anh đã hào hứng giới thiệu cho ông những người xứng đáng hơn mình. Sự khiêm tốn và những cống hiến thầm lặng của anh đã mang đến sự xúc động và khơi dậy những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về lẽ sống, cuộc đời, nghệ thuật cho tất cả mọi người.
Ông họa sĩ già là một người từng trải, có kinh nghiệm sống phong phú. Cũng giống như anh thanh niên, ông họa sĩ cũng là một người yêu nghề. Ông thực hiện hành trình lên Sa Pa để tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Trái tim người nghệ sĩ ấy đã rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn người thanh niên trẻ. Trước khi chia tay ông đã bày tỏ mong muốn được vẽ bức tranh chân dung của anh thanh niên – đối tượng nghệ thuật đẹp đẽ nhất mà ông đã khá được trong chuyến đi của mình.
Cô kĩ sư trẻ mang trong mình lòng nhiệt huyết của của trẻ. Để thực hiện đam mê của bản thân, cô đã chấp nhận rời thành phố để về một vùng xa xôi để công tác. Sau cuộc trò chuyện với anh thanh niên, cô có thêm niềm tin và cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của công việc mà mình sẽ làm.
Anh thanh niên, ông họa sĩ hay cô kĩ sư trẻ đều là những con người bình thường trong cuộc sống đời thường. Thế nhưng chính tình yêu và trách nhiệm dành cho công việc khiến họ trở nên thật đặc biệt. Họ đẹp trong chính cái đời thường, bình dị.
Có thể thấy chất thơ chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Ý thơ như toát ra từ những câu văn, đoạn văn một cách tự nhiên, đầy rung động. Hình ảnh thiên nhiên Sa Pa và người lao động vô danh ngày đêm thầm lặng trong sự nghiệp dựng xây đất nước đã mang đến cho người đọc những cảm nhận thật đẹp, nó khơi dậy những rung động thầm kín, nhen nhóm lên lí tưởng sống cao đẹp, ý nghĩa trong trái tim mỗi người.
—————HẾT————-
Lặng lẽ Sa Pa tập trung xây dựng hình ảnh của những người lao động mới trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, bên cạnh bài Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, các em có thể khám phá đặc sắc nội dung tư tưởng của truyện ngắn qua việc tham khảo: Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, Suy nghĩ của em về truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long, Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa Pa.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục