Bộ Lam Sơn thực lục là tác phẩm của ai?
Lam Sơn thực lục (藍山實錄) là tác phẩm văn xuôi bằng chữ Hán được biên soạn theo lệnh của vua Lê Thái Tổ được viết từ ngày mồng 6, tháng 12, năm Thuận Thiên thứ 4, 1431, kể lại quá trình khởi nghĩa đánh bại quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Thái Tổ chỉ huy. Lê Thái Tổ cho chép sách Lam Sơn thực lục vào năm 1431, tức là 3 năm sau năm quân Minh rút về nước (1428). Lúc đó vua Lê Thái Tổ đã hoàn thành việc xây dựng chế độ hành chính và đánh dẹp các tù trưởng không phục tùng nhà Lê
Đại Việt Sử ký toàn thư và ngay Lam Sơn thực lục đều không ghi tác giả của sách Lam Sơn thực lục. Còn theo Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, trong sách Nguyễn Trãi toàn tập cho rằng Nguyễn Trãi chính là tác giả của Lam Sơn thực lục.
Nội dung của Lam Sơn thực lục
Tròn 3 năm sau khi quân Minh rút về nước, năm 1431, Lê Thái tổ cho chép sách “Lam Sơn thực lục”. Đây là tác phẩm văn xuôi bằng chữ Hán được biên soạn kể lại quá trình khởi nghĩa đánh bại quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn.
“Lam Sơn thực lục” (Sách ghi chuyện thực núi Lam) bao gồm lời tựa của Vua Lê Thái tổ và 3 phần chính: Phần thứ nhất kể lại thân thế của nhà vua và chuyện từ buổi đầu khởi nghĩa cho đến thời điểm nghĩa quân bao vây thành Nghệ An sau khi thắng trận Bồ Ải, từ năm 1418 đến năm 1424; Phần thứ 2 kể lại chuyện đánh quân Minh từ năm 1424 đến khi quân Minh rút quân về nước năm 1428; Phần thứ 3 kể về việc sửa sang nước nhà sau chiến thắng, chép bản Bình Ngô Đại Cáo và lời tổng kết của Vua Lê Thái tổ.
Lê Lợi (1385-1433) sinh ra tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân), trong một gia đình “đời đời làm quân trưởng một phương”. Cụ nội ông là Lê Hối, “tính trời chất phác, ngay thẳng, giữ mình như kẻ ngu”, tự mình khai khẩn đất Lam Sơn, siêng năng cày cấy, gây nên sản nghiệp. Ông nội là Lê Đinh, “hiền hòa để trị dân, khoan nhân mà thương người”. Cha là Lê Khoáng, tính tình “hòa nhã, hiền lành, vui vẻ, thích làm việc thiện”, “mọi người không ai là không cảm Ngài về ơn đức mà phục Ngài về nghĩa khí”.
Nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn, khi quân Minh viện cớ “Phù Trần diệt Hồ” đem 80 vạn quân tiến đánh nước ta, Lê Lợi nuôi chí lớn đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, không chịu khuất phục, ông nói: “Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?”. Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Hội thề Lũng Nhai đi vào sử sách từ đó.
Tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về. Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa của các tầng lớp xã hội và thành phần dân tộc khác nhau, với những đại biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý, Xa Khả Tham… Sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi Nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước.
Khởi nghĩa Lam Sơn đã hội tụ đầy đủ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy chí nhân và đại nghĩa để thắng hung tàn, cường bạo, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đập tan ách đô hộ tàn bạo của giặc Minh, giành lại độc lập cho đất nước. Đây là điểm khác căn bản về đường lối chỉ đạo kháng chiến của người đứng đầu khởi nghĩa Lam Sơn với những cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh trước đó. Chính từ điểm khác biệt nhưng hết sức đúng đắn này, Lê Lợi đã thu phục được lòng dân, sau 10 năm (1418-1428) đã đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi.
Việc chọn Lam Sơn làm căn cứ cuộc khởi nghĩa ban đầu và sau này mở rộng địa bàn sang đất Nghệ An cho thấy, Lê Lợi đã không chỉ nhìn thấy sức mạnh của vùng đất với địa thế hiểm trở, mà còn là cơ sở hậu cần chiến lược với sức người, sức của to lớn của miền Thanh – Nghệ, đặc biệt là sự tham gia, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc nơi đây. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân không ngừng được tăng cường về mọi mặt, quân số lên đến hàng vạn người với các “binh chủng”: quân bộ, quân thủy, voi chiến, thuyền chiến; chất lượng kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu ngày càng được nâng cao. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để nghĩa quân tạo ra bàn đạp vững chắc, tiến vào phía Nam, giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, phát triển ra phía Bắc….