Bố Cái Đại Vương là ai?
Bố Cái Đại Vương là cách gọi của dân gian dành cho Phùng Hưng. Bố nghĩa là cha, cái nghĩa là mẹ. Cách gọi này muốn đề cao công lao của Phùng Hưng đối với dân chúng to lớn như công lao của cha mẹ
Phùng Hưng là lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602-905) trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử về Bố Cái Đại Vương
Bố Cái Đại Vương là tên mà nhân dân suy tôn cho Phùng Hưng. Theo một số nguồn dã sử, Phùng Hưng sinh ngày 25/11 /760 (tức 5/1/761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13/9/802), thọ 41 tuổi.
Ông có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái (người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm (Hà Nội). Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ.
Theo tiến trình lịch sử Việt Nam, nửa sau thế kỷ VIII, quyền thống trị của nhà Đường (Trung Quốc) ngày càng suy yếu khiến cho các tiết độ sứ và bọn đô hộ ở nước ta có cơ hội tăng thêm uy lực. Chúng tự ý thu thuế má cao ngất ngưởng, đặt ra nhiều khoản phí vô lý buộc người dân phải nộp.
Vua Đường sai Cao Chính Bình đem quân sang đánh tan giặc ở quận Cửu Chân, sau đó y được giữ chức đô hộ An Nam. Tên này đã ra sức bòn rút của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng. Lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình (Hà Nội) nổi dậy chống bọn đô hộ, vào khoảng đời Đại Lịch (766-779), Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại chinh quyền đô hộ nhà Đường, hợp sức cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh.
Anh em Phùng Hưng lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ Đường Lâm rối đánh chiếm được cả một vùng rộng lớn quanh vùng, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Trên cơ sở lực lượng phát triển mạnh, Phùng Hưng tiến quân xuống Tống Bình (Hà Nội), vây phủ thành đô hộ.
Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng phát động nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân từ khắp các miền đất Giao châu. Thoạt đầu, anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.
Năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng cùng các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ An Hàn, Bồ Phá Cần chia ra làm 5 đạo bất ngờ vây đánh thành Tống Bình. Cao Chính Bình đem 4 vạn quân ra nghênh chiến.
Sau 7 ngày đêm xung sát quyết liệt, quân giặc yếu thế, đổ máu nhiều, tinh thần hoang mang, phải rút lui vào thành chấn thủ. Nghĩa quân Phùng Hưng bủa vây khắp 4 mặt thành.
Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành đón đánh nghĩa quân nhưng bị thua to nên đã lo sợ, phát bệnh mà chết.
Giành được thắng lợi, Phùng Hưng chiếm phủ lỵ, chấn chỉnh việc nước xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng được bao lâu ông lâm bệnh rồi mất, nhân dân thương tiếc suy tôn ông là Bố Cái Đại Vương coi như cha mẹ của nhân dân. Nhân dân lập đền thờ ông ở quê hương ông và khắp mọi miền đất nước.
Các công trình gắn với tên tuổi của Phùng Hưng
Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay nằm ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá (Tây Hồ), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), đình làng Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội với lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch.
Tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có ba ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương trong đó đền Cổ Hạc được coi là đền chính, tương truyền ông mất tại đây. Các di tích khác như đình làng Vũ Đại và đình làng Đồng Xuân ở xã Gia Xuân hay đình Vũ Nhì ở xã Gia Trấn, Gia Viễn cũng là nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Sau này đất Đường Lâm quê ông còn xuất hiện một vị vua nữa là Ngô Quyền, người đánh bại cuộc xâm lược của Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc (938). Do vậy Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi “Đất hai Vua”.
Tại làng Triều Khúc, ông được thờ là thành hoàng của làng. Do đó, dân làng kiêng húy họ tên của ông, và không dùng chữ Phùng hoặc chữ Hưng khi đặt tên con cháu, đồng thời kiêng húy cả chữ Bố trong tên hiệu của ông (Bố Cái Đại Vương) khi người con gọi người cha.
Tên ông còn được đặt cho các tuyến phố và ngôi trường ở Hà Nội, thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyện về Phùng Hưng của đất Đường Lâm hai vua
Bố Cái Đại Vương – Vị vua đầu tiên của Đường Lâm – đất hai vua không chỉ nổi danh với truyền thuyết diệt hổ bảo vệ dân làng mà còn gắn liền với những câu chuyện thực ảo về sự linh thiêng của người đã đứng lên chống lại cuộc xâm lược của nhà Đường, giành độc lập cho đất Việt trong 9 năm…
Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc lâu đời ở đất Đường Lâm nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đất gò đồi và rừng cây rậm rạp bởi vậy mới có tên gọi là “đường lâm”.