Bạo lực học đường là gì?
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Bạo lực học đường là hành vi cố ý gây hại cho người khác trong môi trường giáo dục. Chúng có thể bao gồm các hành vi: đánh nhau giữa học sinh, bất công từ những hình phạt của giáo viên cho học sinh, tấn công tình dục, trêu ghẹo, nhục mạ, xúc phạm lên tinh thần, thể xác của những học sinh, giáo viên, những người làm việc học tập trong trường học. Những hành vi bạo lực có thể gây ảnh hưởng lên thể xác, tinh thần, tạo ra nỗi ám ảnh lớn cho con người. Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng và cần phải được giải quyết.
Bạo lực học đường xuất hiện ở nhóm đối tượng học sinh, sinh viên ngay trong khuôn viên nhà trường lớp học. Một hành vi vô cùng bồng bột của tuổi trẻ mà có thể sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước được.
Với giai đoạn hiện nay, tình trạng bạo hành học đường vẫn còn đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trong môi trường học tập trên khắp thế giới. Theo CDC (Trung tâm kiểm soát chấn thương Hoa Kỳ), bạo hành học đường là một phần trong vấn đề bạo lực giới trẻ, xoay quanh các nhóm đối tượng từ 6 đến 24 tuổi. Với vấn đề này thì bạo hành học đường được hiểu như là một hành động đối xử thô bạo của giới học sinh. Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…)
Vì vậy, có thể hiểu một cách chung nhất về bạo hành học đường đó là một hành vi gây thương tích một cách có chủ đích đối với người khác, gây tổn hại về mặt sức khỏe cũng như tinh thần của người bị hại, từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách và tương lai của người đó.
Phân loại hành vi bạo lực học đường
Bạo hành học đường cũng tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau tùy vào nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Bao gồm:
- Bạo lực về thể chất: Đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, trấn lột, đổ đồ ăn lên người…
- Bạo lực bằng lời nói: Xúc phạm, bôi nhọ, sỉ nhục, bắt người khác làm theo ý mình.
- Bạo lực xã hội: Phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, nói xấu, bêu rếu xung quanh hay thậm chí là trên mạng xã hội.
- Bạo lực điện tử: Uy hiếp bằng các phương tiện điện tử như gọi điện, nhắn tin, đe dọa và bêu rếu người nào đó trên mạng xã hội.
Tình trạng bạo lực học đường trên thế giới
Bạo hành học đường không chỉ tập trung vào một chỗ nào đó nhất định, mà nó trải đều trên khắp thế giới. Theo ước tính của WHO thì mỗi ngày đều có khoảng 565 đứa trẻ hay các thanh thiếu niên tự sát vì không chịu nổi cảnh bị bạo hành học đường này. Cùng với đó là các vụ chấn thương mà nhập viện mỗi ngày với lý do trên.
Châu Á cũng là nơi xuất hiện rất nhiều vấn nạn bạo hành học đường. Đặc biệt các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…Trong đó cũng có cả Việt Nam.
Quả thực, đây là một con số đáng báo động liên quan trực tiếp đến quyền con người. Qua đó, có thể thấy, vấn nạn trên đang có những diễn biến phức tạp, trở thành một vấn nạn lớn trong tương lai nếu không có những biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tình trạng bạo lực học đường hiện nay tại Việt Nam
Cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới internet thì bạo lực học đường cùng từ đó mà ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau như là đánh đập,tẩy chay, bêu rếu, uy hiếp trên phương tiện điện tử, đổ đồ ăn lên người, bắt người khác làm theo ý mình..
Hiện nay bạo lực học đường được nhắc đến ở Việt Nam một cách rất phổ biến nhiều người còn coi đó là một việc xảy ra vô cùng bình thường mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra sau này. Theo thống kê tại Việt Nam thì cứ có khoảng 5.200 học sinh thì sẽ có một vụ bạo lực học đường và cứ 11.000 học sinh thì sẽ có một học sinh bị đình chỉ học vì đánh nhau. Hầu hết tại một số trường THPT thì một năm sẽ xử lý từ 3-4 vụ đánh nhau và đình chỉ học 1-3 học sinh trên một năm. Như vậy chúng ta có thể thấy con số này có nguy cơ ngày một sẽ càng gia tăng và có xu hướng ngày càng tăng nhanh về số vụ cũng như về mức độ nghiêm trọng của từng vụ. Chính vì sự nghiêm trọng của hành vi bạo lực học đường mà bản thân gia đình, nhà trường, cộng đồng cần có sự phối hợp với nhau trong giải quyết tình trạng bạo lực xảy ra. Chúng ta không thể nắm được sẽ có những hậu quả nghiệm trọng như thế nào sẽ tiếp xảy ra, bởi hiện nay tình trạng mà học sinh, sinh viên cầm dao, gạch, tuýp… đánh nhau là vô cùng phổ biến và các vụ đánh nhau này diễn ra một cách có tổ chức dẫn đến nhiều học sinh nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều nguy kịch
Tuy nhiên nhiều vụ bạo lực học đường lại bị che giấu bởi chính những người lãnh đạo trong trường nhằm bảo vệ uy tín của trường, mà nhà trường đã chọn cách giải quyết trong âm thầm và nghiêm cấm học sinh, sinh viên hay thầy cô giáo trong trường nói vấn đề này ra trường, tình trạng này đặc biệt xảy ra ở các trường học lớn, có tiếng. Như vậy thì hành động này có đang tiếp tay cho bạo lực học đường phát triển? Câu trả lời là chắc chắn là có.
Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rằng, bạo lực học đường đang ngày càng phát triển ở nước ta hiện nay, nhưng các cơ sở giáo dục hay nhà trường và xã hội đang còn quản lý chưa chặt và có hành vi bao che. Như vậy thì rất khó khăn trong việc đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. Hơn nữa các hành vi bạo lực học đường cũng rất là đa dạng không chỉ đánh nhau mới được coi là bạo lực mà còn nhiều hành vi khác nữa như là bêu rếu, xỉ nhục, lăng mạ, tẩy chay, tấn công thông qua mạng internet… trong đó tấn công qua mạng internet là hành vi khó kiểm soát nhất nếu bản thân người bị tấn công không nói ra. Hiện nay dưới sự phát triển của internet mạng xã hội thì hầu hết các học sinh dù ở độ tuổi rất nhỏ cũng đã được dùng điện thoại, laptop và có trong mình một tài khoản mạng riêng và tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân con nên thông thường ba mẹ cũng không thể kiểm tra được điện thoại và nếu bản thân em học sinh không nói ra việc mình bị tấn công trên mạng xã hội, hay bị các bạn nói xấu trên mạng thì sẽ không có ai biết để ngăn chặn được những hành vi như vậy.
Đi đôi với những thuận tiện mà mạng xã hội, internet mang lại thì cũng tồn tại những tiêu cực đó là môi trường bạo lực học đường xảy ra nếu các em không biết quản lý tài khoản một cách đúng hay là biết tham gia những trang mạng bổ ích mà bị cuốn vào những cái xấu trong mạng xã hội. Điều này là vô cùng nguy hiểm.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng
– Thứ nhất là từ phía gia đình: Gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên, nên hành vi của các em ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Gia đình không để ý đến các em, bỏ mặc sự giáo dục cho nhà trường là hoàn toàn sai hay là nền tảng gia đình không tốt, các em bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực ở trong chính gia đình mình cũng là nguyên nhân khiến những học sinh này có xu hướng bạo lực nhiều hơn những học sinh có môi trường giáo dục tại gia đình tốt.
– Thứ hai từ phía nhà trường: bạo lực học đường diễn ra thì một phần nguyên nhân nào đó là xuất phát từ chính môi trường đạo tạo của nhà trường, nhà trường có mô hình giáo dục chưa đúng cách, mang tính hàn lâm quá nhiều mà quên đi các hoạt động hay là chú trọng giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho các em
Bên cạnh đó việc nhà trường mãi chạy đua theo thành tích mà có những hành vi sai lệch, bao che cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực xảy ra một cách phổ biến.
– Thứ ba là từ phía xã hội: Môi trường sống ảnh hướng rất lớn đến nhân cách của một con người, nếu như một người sống trong môi trường xã hội nhiều tiêu cực, nhiều hành vi phạm tội hay bạo lực xảy ra một cách rất phổ biến thì những đứa trẻ đó sẻ có xu hướng bạo lực và phạm tội nhiều hơn so với những đứa trẻ khác
Giải pháp giảm bạo lực học đường
Xuất phát từ những nguyên nhân trên thì chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp như sau:
– Xây dựng lại mô hình đạo tạo trong trường
– Từ phía gia đình cũng cần có sự phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục , quản lý các em học sinh.
– Hạn chế, và quản lý một cách hiệu quả thời gian tham gia mạng xã hội của các em, tránh tình trạng để các em tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội. Cũng như thực hiện hướng dẫn các em tham gia mạng internet một cách hiệu quả nhất
– Giáo dục các em khi gặp phải tình trạng bạo lực học đường thì nên xử lý như thế nào hoặc nếu không may bản thân mình là nạn nhân của bạo lực học đường thì các em sẽ và nên hành động như thế nào cho đúng cho hợp lý nhất.
– Thực hiện giáo dục nhân cách cho học sinh, thực hiện nhiều hoạt động ngoại khóa về kĩ năng sống, về đạo đức hay là thông tin pháp luật
– Bản thân các em học sinh cần tự bản thân mình rèn luyện, mài rủa nhân cách của chính bản thân mình, nâng cao hơn nữa nhận thức của bản thân, biết được đâu là việc nên làm đâu là việc không nên làm.
Quy định về phòng, chống bạo lực học đường
Việc phòng, chống bạo lực học đường theo Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định như sau:
* Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường:
– Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường;
Về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;
– Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;
– Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;
– Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
– Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
* Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường:
– Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;
– Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể;
– Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.
* Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường:
– Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;
– Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực;
– Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Phòng ngừa bạo lực học đường
Phòng ngừa bạo lực học đường theo Điều 7 Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH như sau:
– Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại học sinh, sinh viên; phòng, chống bạo lực học đường trên môi trường mạng cho học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gia đình học sinh, sinh viên; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh, sinh viên.
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tiến hành theo dõi, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ bạo lực học đường. Xây dựng cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng và quy trình xử lý đối với các tình huống bạo lực học đường.
– Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gia đình học sinh, sinh viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống bạo lực học đường xảy ra.
Hỗ trợ khi có nguy cơ bị bạo lực học đường
Theo Điều 8 Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH quy định về hỗ trợ khi có nguy cơ bị bạo lực học đường như sau:
– Phát hiện kịp thời học sinh, sinh viên có nguy cơ bị bạo lực học đường thông qua các biện pháp quản lý, theo dõi và các kênh thông tin.
– Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể đối với học sinh, sinh viên.
– Tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu, cảnh báo đối với học sinh, sinh viên về nguy cơ bạo lực học đường có thể xảy ra. Tư vấn các biện pháp cần thiết để học sinh, sinh viên có thể phòng, tránh bạo lực học đường.
– Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, sinh viên và tổ chức, cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên có nguy cơ bị bạo lực học đường.
Xử lý khi xảy ra bạo lực học đường
Xử lý khi xảy ra bạo lực học đường theo Điều 9 Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH như sau:
– Có biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả không mong muốn.
– Liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định. Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thông báo kịp thời với chính quyền hoặc cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
– Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân. Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế đối với nạn nhân. Theo dõi, đánh giá và có biện pháp hỗ trợ thiết thực bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo.
– Thông báo kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp