ASMR là gì?
ASMR là viết tắt của từ Autonomous Sensory Meridian Response, có thể tạm dịch là “Phản ứng cực khoái độc lập”. Cụm từ này chỉ phản ứng rùng mình ở đầu hoặc cổ sau khi tiếp nhận một số các kích thích như những âm thanh êm ả hoặc âm thanh lặp lại tuần hoàn.
Đối với nhiều người đây không phải là một cảm giác khó chịu mà là cảm giác mang lại sự thoải mái, thư giãn đôi khi có phần mê mẩn. Do đó, hiệu ứng ASMR còn được so sánh với cảm giác cực khoái.
Điều gì tạo ra ASMR?
Cảm giác khoái cảm ASMR có thể xuất hiện nếu bạn tiếp xúc với một số kích thích (trigger) bằng: Âm thanh, hình ảnh, mùi hương, chất liệu, đụng chạm.
Một số âm thanh phổ biến tạo hiệu ứng ASMR trên Youtube bao gồm:
- Tiếng nhai thức ăn (Mukbang ASMR): Đây chắc chắn là âm thanh gây nghiện nhất, lúc đói bụng những tiếng cắn đồ ăn giòn rụm khiến bạn không thể kiềm được và nuốt nước miếng ừng ực. Cảm giác như mình đang ăn vậy.
- Tiếng mưa: Đối với những ai khó ngủ, tiếng mưa chắc chắn rằng sẽ giúp cải thiện giấc ngủ của bạn. Người ta thường nói, trời mưa sẽ giúp giấc ngủ ngon hơn và tiếng mưa bằng ASRM sẽ giúp cho bạn.
- Tiếng thì thầm (Whisper): Đây là âm thanh ASMR phổ biến và cũng gây hiệu ứng rõ ràng nhất, đặc biệt là giọng nữ. Người làm chỉ nói thì thầm để tạo hiệu ứng.
- Tiếng gõ (tapping) hoặc tiếng cào nhẹ (scratching): Người làm video sẽ gõ nhẹ lên bàn, sách, ly nước hay cào nhẹ lên mic thu âm.
- Tiếng lật sách: Đây là một âm thanh có thể tạo ASMR khá tốt nhưng không phải ai cũng thích nghe.
Lợi ích của ASMR
Nhiều nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu ASMR, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tác dụng chính xác của hiệu ứng này là gì thì vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, cũng có một số tác dụng tốt có thể liệt kê như sau:
Thư giãn hệ thần kinh
Đây có thể xem là tác dụng nổi trội nhất của hiệu ứng ASMR. Đa số những người nghe những âm thanh ASMR đều cảm thấy được thư giãn đầu óc tạm thời và cảm giác này có thể biến mất một vài giờ sau đó.
Tuy vậy đây vẫn được xem là một cách thư giãn thần kinh hiệu quả, giúp bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong công việc và cuộc sống cũng như tăng năng suất lao động.
Giảm căng thẳng, lo lắng, cải thiện sức khỏe
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra được số đông người xem các video ASMR để giải tỏa căng thẳng cảm thấy có hiệu quả.
Không chỉ có tác dụng cải thiện tâm lý, hiệu ứng này còn có thể giúp cải thiện sức khỏe bằng cách cải thiện quá trình lưu thông máu, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đặc biệt còn có thể hỗ trợ quá trình giảm cân của bạn.
Cải thiện giấc ngủ
Với những người có giấc ngủ nông hoặc thường xuyên mất ngủ thì có thể thử nghe âm thanh ASMR, những âm thanh này có thể cảm thấy thư thái hơn từ đó dễ ngủ hơn.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng đa phần mọi người thích xem video ASMR trước khi đi ngủ.
Cải thiện tâm trạng
Nhiều người tiếp xúc với hiệu ứng ASMR đều nói rằng họ cảm thấy tâm trạng được cải thiện, giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực đáng kể. Đặc biệt, hiệu ứng ASMR còn được chứng minh có thể cải thiện bệnh trầm cảm, một số người cũng đã kết hợp hiệu ứng ASMR với thiền để điều trị trầm cảm.
Tăng sự tập trung
Có nhiều người nói rằng nghe âm thanh ASMR giúp họ tìm được cảm hứng và tăng sự tập trung hơn khi làm việc
Con người có nên tiếp nhận âm thanh ASMR?
Đến hiện tại vẫn chưa ghi nhận được tác hại tiêu cực nào đến từ hiệu ứng ASMR. Tuy nhiên, bên cạnh những video âm thanh tạo cảm giác thoải mái vẫn tồn tại nhiều video kích thích ham muốn.
Điều này có thể tạo nên sự nhầm lẫn cho toàn bộ nội dung của ASMR. Trong thực tế, những âm thanh ASMR vẫn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những video ASMR chỉ giúp con người tiếp xúc nhiều hơn với những loại âm thanh đó mà thôi.
Để trải nghiệm âm thanh ASRM, các bạn có thể thử theo 2 cách:
+ Cách thứ nhất là tự bản thân tưởng tượng về những âm thanh làm chúng ta hài lòng, như tiếng nước chảy, tiếng lá rơi,…
+ Cách thứ hai là trải nghiệm qua những video ASMR được đăng tải trên Internet.
Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về tâm lý, sức khỏe hoặc chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm thử thì đừng chần chờ thử tiếp nhận những âm thanh, hình ảnh từ hiệu ứng ASMR. Aihealth tin rằng nó sẽ không khiến các bạn thất vọng đâu.
Cảm xúc lan tỏa trên internet: Hiện tượng ASMR
Từ vài năm qua, trên trang YouTube bùng nổ các đoạn video quay cảnh những người phụ nữ nói chuyện thì thầm hoặc gõ nhịp vào các vật dụng trong nhà. Điều kỳ lạ là nhiều người khi xem đột nhiên có cảm giác râm ran khó tả quanh đầu và gáy.
Đã bao giờ bạn trải nghiệm cảm giác râm ran dễ chịu từ gáy, lan tỏa xuống sống lưng, khắp cơ thể và chân tay?
Cộng đồng mạng gọi cảm giác kỳ lạ đó với cái tên dài ngoằng là “Phản ứng cực khoái cảm giác độc lập” (Autonomous sensory meridian response – ASMR).
Từ “meridian” (tạm dịch là cực khoái) hoàn toàn không mang ý nghĩa tình dục mà có nghĩa là giữa trưa theo tiếng Pháp cổ, mang hàm ý cảm xúc cao trào dễ chịu.
“Meridian” còn là từ tiếng Anh chỉ hệ thống kinh lạc theo y học Trung Quốc, mạng lưới mà các dòng khí trong cơ thể lưu chuyển, tạo ra cảm giác râm ran tương tự.
Hiện tượng Internet
Phần lớn video ASMR quay cảnh các cô gái nói bằng giọng thì thầm với khán giả, gõ nhịp vào các vật dụng gia đình. Những tiếng động nhẹ nhàng đó chính là yếu tố kích hoạt cảm giác ASMR. Và những người tạo ra các video này được gọi là nghệ sĩ ASMR.
Ally có biệt danh YouTube là ASMRequests, có hơn 185.000 người theo dõi. Tất cả những gì cô làm là thì thầm vào máy quay video với khán giả.
Tương tự là GentleWhispering với 300.000 người theo dõi. Cô chỉ nói trực tiếp vào máy quay, hướng dẫn cách nói tiếng Nga, hay chỉ đơn giản là nói về cuộc đời mình hoặc trả lời câu hỏi của người hâm mộ.
Nhưng một số video ASMR của GentleWhispering thu hút tới 12 triệu lượt truy cập. Ngoài những lời thì thầm, tiếng động từ ngón tay gõ nhịp vào các đồ vật, từ chiếc lược đang chải mái tóc hay từ chiếc bút lông mơn man đầu micro cũng tạo ra cảm giác ASMR.
Một nghệ sĩ ASMR có biệt danh là Heather Feather tung lên mạng đoạn video quay cảnh cô chải tóc khi còn ướt, rồi sấy khô tóc, rồi lại tiếp tục chải. Đoạn video dài hơn 1 giờ đã thu hút hơn 32.604 lượt truy cập.
Hiện Heather Feather có hơn 180.000 người theo dõi trên YouTube. “Tôi có thể giải thích rằng ASMR là cảm giác rùng mình dễ chịu giống như cảm giác có người vuốt nhẹ lưng bạn hay nghịch tóc bạn” – Heather Feather cho biết.
Ngày càng nhiều nghệ sĩ ASMR xuất hiện, tung lên YouTube các loại video với nội dung khác nhau để kích hoạt cảm giác ASMR ở người xem. GentleWhispering có tên thật là Maria giải thích một phần lý do khiến làn sóng video ASMR bùng nổ trên YouTube là do phần lớn nghệ sĩ ASMR là những cô gái trẻ, ưa nhìn.
Trên thực tế ASMR và tình dục không hề có liên quan, nhưng sự hấp dẫn về ngoại hình của nghệ sĩ ASMR có tác động không nhỏ. GentleWhispering cho rằng việc một người đàn ông đứng trước máy quay và thì thầm dễ khiến người xem cảm thấy kỳ quái và e dè.
Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ. Ví dụ như các đoạn video quay cảnh nam nghệ sĩ ASMR Bob Ross thì thầm với người xem, vẽ tranh tạo tiếng động nhẹ nhàng đã thu hút hàng triệu lượt truy cập. Trang công nghệ Mashable mô tả Bob Ross là “cha đỡ đầu” của hiện tượng ASMR.
Sự thực hay tưởng tượng?
Chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về hiện tượng này. Tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa thần kinh nổi tiếng Steve Novella, người viết về chủ đề này trên trang mạng NeuroLogicablog, cho rằng có thể ASMR được kích hoạt từ một phần đặc thù của não bộ. Ông đánh giá rất nhiều người không hề có liên quan đã mô tả cảm giác ASMR rất giống nhau, do đó có thể khẳng định hiện tượng ASMR là thực tế.
Những người tin tưởng vào ASMR cho rằng xem các video ASMR trên YouTube giúp chữa trị các căn bệnh như trầm cảm, rối loạn tâm lý sau chấn thương, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tập trung, lo âu, đau tiền đình…
Chưa có bằng chứng nào khẳng định điều đó và chưa có nghiên cứu nào về tác dụng y học của ASMR. Nhưng cộng đồng ASMR liên tục mở rộng trên YouTube và công nghệ quay video ASMR ngày càng trở nên hiện đại hơn.
Nghệ sĩ ASMR TheWaterwhispers cho biết hiện các nghệ sĩ ASMR đã trang bị máy quay hiện đại và chuyên nghiệp hơn, áp dụng công nghệ thu âm tốt hơn, do đó chất lượng các video ASMR ngày càng cải thiện.
“ASMR là gì vậy? Nhiều người gọi đó là cảm giác cực khoái não. Đó là ví dụ cho thấy não bộ của chúng ta cực kỳ phức tạp và kỳ lạ. Nếu không thì các bạn giải thích như thế nào về sự tồn tại của hàng triệu video quay cảnh người ta thì thầm và tạo tiếng động?” – bác sĩ Steve Novella kết luận.
Cách tốt nhất để kiểm chứng xem ASMR có tồn tại hay không là chúng ta hãy xem các video ASMR trên YouTube rồi tự đưa ra kết luận.
ASMR có thể là khái niệm hết sức xa lạ đối với phần lớn chúng ta. Hơn sáu năm trước đây, chẳng ai biết nó là gì. Chỉ từ năm 2008, các nhóm trên mạng Internet như “Hội những người duy cảm” hay blog “Cảm giác không tên” bắt đầu được thành lập để thảo luận và chia sẻ trải nghiệm về cảm giác này.
Tác giả Jenn Allen, người sáng lập trang web asmr-research.org, đã đưa ra cái tên ASMR.
Và hiện tại ASMR đang trở thành một hiện tượng bùng nổ trên mạng Internet. Tra từ ASMR trên trang YouTube sẽ cho kết quả hơn 1,5 triệu video.
Và chỉ một hai năm gần đây giới truyền thông quốc tế mới bắt đầu chú ý đến hiện tượng ASMR .
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp